Nuôi tôm nhiều giai đoạn, giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu

QUẢNG TRỊ Nuôi tôm thẻ chân trắng tại Quảng Trị đang đứng trước nhiều áp lực về môi trường. Tuy nhiên, những hộ áp dụng quy trình nuôi tôm nhiều giai đoạn vẫn thắng lợi.

Năm 2023, Quảng Trị có trên 360ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị chết. Trước tình trạng thiếu hóa chất dập dịch, xử lý môi trường, UBND tỉnh Quảng Trị đã đề xuất và được Chính phủ xuất cấp 76 tấn hóa chất không thu tiền để hỗ trợ người nuôi tôm. Tuy nhiên, ngoài vấn đề ô nhiễm môi trường nước, nuôi tôm thẻ chân trắng theo phương thức truyền thống vẫn đang mang đến nhiều rủi ro cho người dân.

Tôm giống được ương trong môi trường có mái che, diện tích nhỏ, dễ phát hiện và quản lý dịch bệnh, giảm tỷ lệ thất thoát. Ảnh: Võ Dũng.

Từ năm 2018, một số hộ nuôi tôm đã áp dụng nuôi tôm nhiều giai đoạn. Trong năm 2023, mặc dù hàng trăm hộ nuôi tôm thất bát nhưng những hộ dân nuôi tôm nhiều giai đoạn vẫn thành công.

Năm 2023, ông Trương Quang Nhật Thắng, xã Gio Mai, huyện Gio Linh được UBND tỉnh Quảng Trị hỗ trợ đầu tư nuôi tôm nhiều giai đoạn trên diện tích 3.800m2, diện tích 4.000m2 còn lại làm ao lắng. Vụ đầu tiên, gia đình ông Thắng thu về 12 tấn tôm, tương đương 31 tấn/ha, kích cỡ tôm đạt 27 –  29 con/kg, lợi nhuận đạt 780 triệu đồng.

Thực tế mô hình tại hộ ông Thắng cho thấy, nuôi tôm nhiều giai đoạn có nhiều ưu điểm. Ở giai đoạn 1, tôm được nuôi trong ao ương có diện tích nhỏ, có mái che, tôm phát triển tốt, tỷ lệ sống cao, các yếu tố môi trường ổn định. Chi phí hóa chất xử lý nước, chế phẩm vi sinh, khoáng, chi phí bơm nước giai đoạn 1 cũng thấp hơn so với cách nuôi truyền thống.

Ở giai đoạn ương, lượng thức ăn giảm gần 1/3, chế phẩm vi sinh, khoáng giảm 1/2. Khi tôm sang đến giai đoạn 3 thì xác định được khối lượng tôm nuôi chính xác để định lượng thức ăn phù hợp, tránh tình trạng dư thừa thức ăn. Áp dụng quy trình nuôi tôm nhiều giai đoạn, kích cỡ tôm thu hoạch lớn, năng suất thường cao hơn nhiều so với cách nuôi truyền thống.

Giai đoạn 2 – 3, khi con tôm đã có sức đề kháng cao, người nuôi di chuyển sang ao nuôi lớn hơn. Ảnh: Võ Dũng.

Nuôi tôm nhiều giai đoạn đã giải quyết được phần nào khó khăn về quản lý môi trường nuôi, nhất là xử lý chất thải và khí độc trong ao nuôi gặp phải khi nuôi tôm 1 giai đoạn. Thông thường khi tôm nuôi trên 60 ngày tuổi thì lượng chất thải tồn tại dưới đáy ao nhiều. Đây là thời điểm dễ phát sinh các khí độc, ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước và sức khỏe tôm nuôi.

Vì vậy, việc di chuyển ao nuôi giúp người nuôi chủ động vệ sinh đáy. Đáy ao nuôi mới, thời gian nuôi tại mỗi ao ngắn ngày nên lượng chất thải, khí độc phát sinh không lớn. Đây là ưu điểm lớn nhất về môi trường nước của hình thức nuôi tôm nhiều giai đoạn. Mặt khác, thời gian nuôi 1 vụ của các ao không quá 2 tháng, ao nuôi được luân chuyển theo hình thức cuốn chiếu nên người nuôi có thể tăng số vụ nuôi trong năm.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, nuôi tôm nhiều giai đoạn cũng gặp những khó khăn nhất định. Nuôi theo hình thức công nghệ cao nhiều giai đoạn, chủ yếu áp dụng công nghệ vi sinh thì người dân phải xây dựng thêm ao ương, ao nuôi giai đoạn 2, giai đoạn 3; đầu tư thêm máy móc, thiết bị nên chi phí đầu tư ban đầu tư cho cơ sở hạ tầng tương đối cao.

Ông Thắng cho biết thêm, nuôi tôm nhiều giai đoạn phù hợp ở những hộ nuôi có nhiều ao, ao lót bạt, diện tích nuôi đủ lớn, chủ động về công tác cấp nước và có hệ thống điện dự phòng. Cơ sở vật chất, thiết bị đầu tư đồng bộ, đặc biệt là hệ thống quạt, oxy đáy đáp ứng được nhu cầu oxy của tôm nuôi mật độ cao.

Trong khi nhiều hộ nuôi tôm truyền thống thất bát thì các mô hình nuôi tôm nhiều giai đoạn vẫn thắng lợi. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Phan Hữu Thặng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Trị cho hay, nuôi tôm nhiều giai đoạn là giải pháp hữu hiệu hiện nay giúp người nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu và vấn đề ô nhiễm môi trường. Trước năm 2018, nghề nuôi tôm trên địa bàn tỉnh có những bước phát triển. Tuy nhiên, người nuôi gặp không ít khó khăn, thách thức do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và dịch bệnh. Thực tế, những năm qua, những hộ nuôi tôm quảng canh, nuôi trong ao đất liên tiếp gặp thất bại.

Để khắc phục những khó khăn đó, một trong những giải pháp quan trọng nhất là áp dụng khoa học công nghệ vào nuôi tôm để hạn chế rủi ro. Trong giai đoạn từ 2018 đến nay, một số mô hình nuôi tôm theo hướng công nghệ cao đã được triển khai thực hiện và đem lại hiệu quả cao, trong đó nổi bật là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2, 3 giai đoạn.

“Bắt đầu thực hiện từ năm 2018, đến nay, Quảng Trị đã có trên 100ha nuôi công nghệ cao (kể cả diện tích nuôi thủy sản của Công ty C.P), tập trung ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và TP Đông Hà. Hầu hết các mô hình nuôi tôm công nghệ cao đều được triển khai thực hiện thành công và mang lại hiệu quả cao cho người nuôi nhờ hạn chế được rủi ro về dịch bệnh, giảm thiểu chi phí sản xuất”, ông Phan Hữu Thặng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Trị cho biết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *