[Tin tức ngày 25/12] Xuất khẩu rau quả sang EU: Phải tuân thủ luật chơi!

Để xuất khẩu nông sản sang thị trường EU, ngoài việc tìm hiểu quy định về thuốc bảo vệ thực vật thì khâu thiết kế bao bì sản phẩm cũng cần được quan tâm.

Liên minh châu Âu (EU) là một trong 4 thị trường xuất khẩu chiến lược nông sản của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường EU đã khởi sắc rõ rệt sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực vào ngày 1/8/2020.

EU là thị trường xuất khẩu rau quả lớn thứ tư của Việt Nam

Theo Bộ NN-PTNT, thị trường EU nhập khẩu rau quả 120 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, rau quả nhập khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU chỉ đạt 190 triệu USD/năm, chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của nước ta.

Các nước EU nhập khẩu 35 tỷ Euro rau quả, chiếm 40% thương mại toàn cầu. Ảnh: TP.

Với thế mạnh là quốc gia có nền nông nghiệp phát triển lâu đời, cũng là đất nước có nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi bật, Việt Nam có rất nhiều cơ hội để xuất khẩu cũng như nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Khi hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, trừ những mặt hàng áp dụng hạn ngạch, hầu như mặt hàng nông sản chủ chốt như: hạt tiêu, hạt điều, rau quả, cà phê, cao su đều được hưởng mức thuế suất ưu đãi so với quốc gia khác.

Hiệp định EVFTA tạo nên lợi thế cạnh tranh, gia tăng sản lượng, đa dạng mặt hàng xuất khẩu. Vì thế, doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung tối đa nguồn lực để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản trong thời gian tới.

Tuy nhiên, tại thị trường EU, khâu hậu kiểm sản phẩm cực kỳ nghiêm ngặt. Một trong những tiêu chí quan trọng trong xuất khẩu nông sản sang thị trường EU là sản phẩm phải nằm trong ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa cho phép, các loại hóa chất tồn dư dưới mức quy định.

60% cảnh báo của EU liên quan đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật

Theo nhận định của PGS.TS Nguyễn Xuân Hồngnguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT, một trong những vấn đề cấp thiết, ảnh hưởng đến quá trình xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường EU chính là vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

“Trong 10 tháng năm 2023, EU đã phát đi 3.900 cảnh báo cho tất cả các nước xuất khẩu nông sản sang thị trường EU. Trong đó Việt Nam có gần 60 cảnh báo. Với 40% cảnh báo về rau quả (chiếm 60% cảnh báo) liên quan đến vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật”, ông Hồng nhấn mạnh.

Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tất cả các nước thành viên EU đã đặt ra một danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép áp dụng và mức tồn dư tối đa được phép trên thực phẩm. Nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng tại Việt Nam nhưng lại bị cấm ở EU.

Bên cạnh đó, những quy định về thuốc bảo vệ thực vật ở EU cũng thay đổi trong từng giai đoạn. Nhiều đối tượng gây hại nằm trong danh mục kiểm dịch của EU cũng đã có mặt tại Việt Nam. Nếu như những đối tượng này xuất hiện trong các lô hàng nông sản của Việt Nam xuất sang EU thì thiệt hại cho doanh nghiệp xuất khẩu sẽ vô cùng lớn.

Quy định về thị trường EU rất khắt khe nhưng mang lại giá trị thương mại lớn.

Bàn về vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng phân tích, thị trường EU quy định rất rõ danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng. Khi nhà sản xuất sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không có trong danh mục quy định của EU thì lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản sẽ áp mức tồn dư tối đa cho phép vô cùng nhỏ (0,01mmg/kg hoặc thấp hơn). Còn nếu sử dụng thuốc có trong danh mục thì mức tồn dư lại cao. Do đó, doanh nghiêp xuất khẩu phải biết cách lựa chọn thuốc có trong danh mục mà EU quy định.

Còn theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục Bảo vệ thực vật, các đơn vị xuất khẩu cần chủ động tìm hiểu về các quy định xuất khẩu nông sản sang thị trường EU, phải bắt đầu từ giai đoạn sản xuất hàng hóa, chứ không phải sản xuất xong hàng hóa mới tìm hiểu.

Doanh nghiệp xuất khẩu ngoài việc tìm hiểu quy định về thuốc bảo vệ thực vật thì khâu thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm phù hợp với thị trường và thân thiện với môi trường cũng cần được quan tâm.

Hiện nay, EU là thị trường xuất khẩu rau quả lớn thứ tư củaViệt Nam và dự đoán trong tương lai gần có thể vươn lên vị trí cao hơn nhờ việc hưởng các ưu đãi theo hiệp định EVFTA.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam cần cập nhật thường xuyên và tuân thủ các quy định của EU. Điều này không chỉ giúp cho nông sản Việt tạo được uy tín mà còn là nền tảng để có thể mở rộng, chinh phục thêm các thị trường xuất khẩu trên thế giới, từ đó nâng cao vị thế cho nông sản Việt.

 

Nguồn: Nông Nghiệp Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *