[Tin tức ngày 14/12] Nông dân Bắc Kạn thức tỉnh nhờ nông nghiệp hữu cơ Dùng ốc bươu vàng để… diệt cỏ ruộng lúa

BẮC KẠN – Ốc bươu vàng như con dao hai lưỡi nếu biết cách sử dụng. Sau cấy tháo nước đi, khi thân lúa đã cứng, ốc chỉ ăn cỏ non trong ruộng chứ không phá lúa nữa.

Nơi nông dân không sợ ốc bươu vàng

Ông Nông Triệu Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã Yên Phong (huyện Chợ Đồn – tỉnh Bắc Kạn) cho biết kinh nghiệm thú vị kia của người dân quê mình. Yên Phong là xã miền núi còn nhiều khó khăn, dân tộc Tày chiếm đa số, kinh tế phụ thuộc chính vào lâm, nông nghiệp với hơn 2.000ha rừng trồng và 180ha ruộng lúa 2 vụ, thu nhập bình quân đầu người 37 triệu/năm, tỷ lệ hộ nghèo khoảng 20%.

Năm 2022, xã được Chi cục Trồng trọt – BVTV và Quản lý chất lượng tỉnh Bắc Kạn chọn là vùng thí điểm sản xuất lúa hữu cơ với 90 hộ tham gia trên diện tích hơn 17ha, tập trung chủ yếu ở thôn Phiêng Quắc, Pác Toong, Pác Là, sử dụng giống lúa Nhật J02 trong vụ xuân và giống Bao Thai bản địa trong vụ mùa.

“Trước khi có mô hình sản xuất hữu cơ, người dân ở đây có dùng nhiều thuốc trừ sâu, trừ cỏ, trừ ốc không?”. Tôi hỏi. Ông Tuấn trả lời: “Không, khu vực trong này người dân rất sợ thuốc sâu, thuốc trừ cỏ, thuốc trừ ốc”. Là người bản địa, trước lại là Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Huân (cũ) nên hơn ai hết, ông hiểu rõ thói quen sản xuất của người dân quê mình, rất ít dùng thuốc trừ sâu, trừ cỏ, trừ ốc.

 

Vùng sản xuất lúa hữu cơ của xã Yên Phong. Ảnh: Tư liệu.

Thứ nhất là bởi vùng núi nên áp lực sâu bệnh thấp. Thứ hai là họ thà chịu giảm năng suất chứ nhất định không đi phun thuốc vì sợ ảnh hưởng sức khỏe. Thứ ba là cán bộ xã, cán bộ huyện, cán bộ tỉnh đi họp các thôn thường lồng ghép các nội dung về tuyên truyền tác hại của việc lạm dụng thuốc BVTV hóa học để bà con thay đổi nhận thức. Bởi vậy, nếu lúa bị đạo ôn thì buộc phải dùng thuốc BVTV, còn thuốc trừ cỏ, thuốc trừ ốc hầu như không mấy ai dùng.

Trước, những xã giáp ranh dân vẫn dùng thuốc trừ cỏ nhưng ở đây chỉ lác đác 10 – 20 hộ dùng mà dân phát hiện ra sẽ không đi làm thuê cho nhà đó nữa.

Cũng theo ông Tuấn, ốc bươu vàng xuất hiện trên địa bàn xã Phong Huân cũ (nay là xã Yên Phong) khoảng 6 năm nay, lý do đến nay cũng chưa rõ ràng nhưng dân làng đồn có ông ở thôn Nà Chợ đem từ chỗ khác về thả xuống để cho ốc… dọn cỏ trong ruộng lúa. Giờ, thôn trong, thôn ngoài, ruộng cao, ruộng thấp đều có ốc bươu vàng.

Thực tế cho thấy, ốc bươu vàng như một con dao hai lưỡi, nếu biết cách sử dụng cũng rất tốt. Bước đầu tiên sau khi cấy lúa phải tháo cạn nước trong ruộng đi, bắt thủ công. Bước thứ hai khi cây lúa thân đã cứng rồi, ốc bươu vàng chỉ ăn cỏ non trong ruộng chứ không phá lúa nữa.

Lúa hữu cơ ở Yên Phong rất sáng, sạch sâu bệnh. Ảnh: Tư liệu.

“Vụ xuân cơ bản ruộng nào cũng có ốc bươu vàng bởi với giống lúa Nhật J02 hay giống lúa lai dân thường cấy mạ non nên phải tháo cạn nước và bắt, đợi 10 – 15 ngày sau mới dẫn nước vào, lúc này thân lúa đã cứng, ốc không ăn được. Vụ mùa ốc bươu vàng cũng ít hơn bởi với giống lúa Bao Thai dân có tập quán cấy mạ già.

Trước đây chưa có ốc bươu vàng dân làm cỏ hai lần, một lần sục bùn lúc lúa 15 – 20 ngày, một lần lúc lúa 1 tháng. Từ khi có ốc bươu vàng, dân không phải làm cỏ nữa bởi cỏ mới mọc ra, non, ngon, ngọt hơn lúa già nên trong ruộng ốc chỉ tập trung ăn cỏ. Người dân còn đi bắt ốc bươu vàng về nuôi vịt, nuôi gà. Nếu nhà nào không nuôi thì bán mỗi kg ốc giá 4.000 – 5.000đ cho nhà khác chăn”, ông Tuấn thông tin.

Sản phẩm hữu cơ bán giá chưa tương xứng

Thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ, vụ xuân năm 2023, các mẫu đất, mẫu nước, mẫu thóc của mô hình ở xã Yên Phong đã được phân tích, kiểm nghiệm bởi Tổ chức Chứng nhận và Kiểm nghiệm FAO và đều không phát hiện thấy dư lượng thuốc BVTV và chất độc hại. Họ nhận định ở đây dù diện tích canh tác lúa còn manh mún, nhỏ lẻ nhưng làm được hữu cơ chứ nhiều nơi rất khó vì tình trạng lạm dụng thuốc BVTV đã diễn ra trong mấy chục năm liền. Đất sạch, nước sạch đến nỗi một số người dân Yên Phong đi làm ngoài đồng giữa buổi khát vẫn dùng nón hay tay vục xuống mương, xuống máng mà uống ngon lành được.

Cánh đồng lúa hữu cơ ở Yên Phong. Ảnh: Tư liệu.

Vụ mùa năm 2023, xã tiếp tục thực hiện 30ha lúa áp dụng kỹ thuật sản xuất hữu cơ với 130 hộ tham gia thuộc các thôn Pác Cộp, Nà Chợ, Nà Tấc, Nà Mạng, Khuổi Xỏm. Như vậy, tổng diện tích sản xuất lúa áp dụng kỹ thuật sản xuất hữu cơ của xã đạt hơn 47ha, trong đó từ vụ xuân 2023 diện tích được cấp chứng nhận hữu cơ hơn 8,2ha cho Tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ Yên Phong với 47 thành viên.

Đây là xã đầu tiên trong tỉnh có sản phẩm lúa được chứng nhận đạt TCVN về hữu cơ và đã được cấp mã số vùng trồng. Bước đầu, mô hình sản xuất lúa hữu cơ ở Yên Phong đã hình thành được mối liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm: Doanh nghiệp tư nhân kinh doanh giống cây trồng Quốc Anh cung ứng giống, phân bón, men vi sinh, chế phẩm BVTV sinh học (doanh nghiệp cho mua trả chậm 4 tháng không tính lãi); HTX Hồng Luân và Công ty TNHH MTV Thương mại Đông Nam Việt (Donavi) liên kết tiêu thụ thóc, gạo hữu cơ.

Chị Hoàng Thị Chinh ở thôn Phiêng Quắc là người tham gia trồng lúa hữu cơ từ năm 2022 nhận xét, tuy phương pháp này tốn công hơn nhưng cây trồng phát triển khỏe, hạt mẩy đều, chất lượng tốt, dễ bán và đất đai tơi xốp thấy rõ. Thêm vào đó, sản xuất hữu cơ lại tận dụng được rơm rạ ủ với chế phẩm vi sinh luôn trên đồng để làm phân bón cho vụ sau.

“Lúc đầu tuyên truyền cho dân làm nông nghiệp hữu cơ rất khó bởi cứ mắt thấy, tai nghe thì họ mới chịu tin, còn không sẽ nghi ngờ. Sau khi thực hiện mô hình, dân thấy tin tưởng rồi mới làm theo. Cùng một giống, canh tác hữu cơ hạt gạo ăn ngọt hơn hẳn so với hạt gạo thông thường”, ông Nông Triệu Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã Yên Phong cho biết.

Hội nghị về sản xuất lúa hữu cơ ở Yên Phong. Ảnh: Tư liệu.

Năm 2022, nông dân Yên Phong tham gia mô hình sản xuất lúa hữu cơ được hỗ trợ 70% vật tư nông nghiệp gồm giống lúa Japonica J02, phân bón hữu cơ khoáng Quế Lâm để bón thúc, chế phẩm vi sinh, chế phẩm BVTV sinh học…; hỗ trợ 100% chi phí cho các lớp tập huấn kỹ thuật, hội thảo, lấy mẫu, phân tích, đánh giá, cấp chứng nhận an toàn thực phẩm.

Năm 2023, các hộ tham gia mô hình tự đối ứng 100% vật tư nông nghiệp, Chi cục Trồng trọt – BVTV và Quản lý chất lượng tỉnh Bắc Kạn chỉ hỗ trợ chi phí tư vấn, đánh giá và cấp chứng nhận hữu cơ; hỗ trợ tư vấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại.

Mấy năm trước ở Yên Phong cơ bản vụ mùa 100% dùng giống lúa Bao Thai, giờ có lúa Nhật J02 nên tỷ lệ rút xuống còn 70% Bao Thai, 30% J02. Vụ xuân lúa Nhật J02 chiếm 80%, còn lại là lúa lai. Năng suất J02 sản xuất theo phương pháp hữu cơ trung bình đạt 6 tấn/ha, Bao Thai 5,3 tấn/ha. Tập quán của dân miền núi quen ăn gạo cứng nhưng giờ nhiều người đã chuyển sang ăn gạo dẻo, tuy nhiên một số vẫn thích Bao Thai bởi dễ chan canh và ăn ngọt, no lâu. Đây cũng là đặc sản nổi tiếng của huyện Chợ Đồn, đặc biệt ở khu vực mấy xã như Phương Viên, Đồng Thắng và Yên Phong.

Tính cụ thể, chi phí vật tư đầu vào như giống, phân bón, chế phẩm BVTV, men vi sinh, công lao động, chi phí cấp chứng nhận hữu cơ là 5.100.000đ/1.000m2  Giá bán thóc khô của ruộng hữu cơ cao hơn 2.000đ/kg so với thóc của ruộng bón phân vô cơ. Nhờ đó thu nhập của ruộng hữu cơ trồng giống J02 là 3.200.000đ/1.000 m2 và của ruộng hữu cơ trồng giống Bao Thai là 2.400.000đ/1.000m2.

Lúa hữu cơ tại xã Yên Phong (huyện Chợ Đồn) rất sáng, sạch sâu bệnh dù không sử dụng thuốc BVTV. Ảnh: Ngọc Tú.

“Giá bán của sản phẩm hữu cơ vẫn còn thấp so với công sức bỏ ra. Như một ngày công đi làm thuê ở đây cũng phải 200.000đ nên nông dân trồng lúa bây giờ chủ yếu là giữ đất, phần lấy thóc ăn theo kiểu tự cung tự cấp, phần thừa mới bán. Làm ra sản phẩm sạch mà chưa có giá tương xứng nên xã muốn phối hợp với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân để gia tăng thêm giá trị.

Giờ mọi người đến Yên Phong công tác, lúc ra về cứ phải mua gạo hữu cơ làm quà. Gạo hữu cơ không lo đầu ra, chỉ có mỗi giá bán chưa được cao. Vấn đề chúng tôi lo nhất trong sản xuất hữu cơ là phân bón. Nếu không có sự trợ giá của nhà nước thì bón phân bón hữu cơ chi phí sẽ cao hơn hẳn so với phân hóa học, thường là gấp đôi nên nông dân còn ngại đầu tư”, ông Nông Triệu Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã Yên Phong Tuấn trăn trở.

Trong những mâm cúng dâng lên bàn thờ tổ tiên hay những bữa cơm đoàn viên, người dân xã Yên Phong giờ đây phần lớn là dùng gạo hữu cơ như một thói quen khó bỏ.

 

Nguồn: Nông Nghiệp Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *