Từ mô hình trồng xà lách thuỷ canh, nhiều hộ nông dân ở Lâm Đồng vươn lên làm giàu, xây dựng cơ ngơi tiền tỷ.
Năm 2014, bà Phạm Thị Thu Cúc (Giám đốc Công ty Rừng hoa Bạch Cúc) được Công ty Rijk Zwaan chuyên sản xuất giống rau đưa đi Malaysia tham quan, học tập mô hình trồng rau thuỷ canh. Nhận thấy mô hình hiệu quả nên vào tháng 5/2015, bà quyết định chuyển đổi một phần vườn cà chua ở thôn Đạ Nghịt (xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) sang sản xuất thử nghiệm.
Nữ chủ vườn kể: “Ngày đó mô hình sản xuất xà lách thuỷ canh ở Việt Nam rất hiếm nên khi bắt tay vào đầu tư, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt chịu nhiều áp lực về tâm lý bởi số tiền đầu tư lớn, thị trường chưa được khơi thông. Trong vụ rau đầu tiên, vì lo nghĩ nhiều nên đã đổ bệnh”.
Bà Phạm Thị Thu Cúc thổ lộ, việc sản xuất xà lách thuỷ canh sau đó trở nên thuận lợi khi được một hệ thống siêu thị trong nước đến khảo sát và quyết định ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm. “Kể từ thời gian đó, tôi tích góp, đầu tư mở rộng mô hình và sản xuất”, bà Cúc cho hay.
Hiện nay, gia đình bà Cúc đang tổ chức sản xuất 12 loại giống xà lách thuỷ canh khác nhau trên tổng diện tích 1ha vườn.
Toàn bộ cây giống xà lách mà gia đình bà Cúc sản xuất được cung cấp từ Công ty Rijk Zwaan, một công ty quốc tế chuyên về lai tạo và phát triển các giống rau, có trụ sở chính tại Hà Lan. Nữ chủ vườn nói: “Doanh nghiêp quốc tế này cung cấp hạt giống và luôn cắt cử các chuyên gia hỗ trợ về quy trình canh tác. Do vậy, việc sản xuất rất thuận lợi. Họ cũng giúp chúng tôi kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ”. Với mô hình hiện nay, mỗi ngày gia đình bà Phạm Thị Thu Cúc cung ứng khoảng 700kg rau cho thị trường với mức giá giao động từ 30.000 đến 90.000 đồng/kg.
Cũng như gia đình bà Cúc, bà Nguyễn Thị Thưa (60 tuổi, phường 11, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) chuyển đổi 0,4ha vườn hoa sang sản xuất xà lách thuỷ canh.
Với 0,4ha này, gia đình bà Thưa bỏ ra số tiền khoảng gần 2 tỷ đồng để xây dựng nhà kính, hệ thống giàn thuỷ canh, hệ thống cấp – thoát nước phục vụ trồng trọt…
“Mô hình sản xuất xà lách thuỷ canh được thực hiện trong nhà kính và sản xuất liên tục suốt 12 tháng trong năm. Đây là lợi thế cực kỳ lớn so với mô hình xà lách thổ canh theo phương thức truyền thống”, bà Nguyễn Thị Thưa chia sẻ và cho biết thêm, đối với xà lách thuỷ canh, từ khi đặt cây giống vào giàn đến khi thu hoạch chỉ mất 30 ngày. Sau khi thu hoạch, chủ vườn tổ chức súc rửa, xử lý hệ thống ống là có thể sản xuất vụ tiếp theo.
Đối với mô hình xà lách thuỷ canh, gia đình bà Nguyễn Thị Thưa thực hiện theo quy trình sản xuất hiện đại. Đặc biệt không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại để đảm bảo chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khoẻ.
Với mô hình 0,4ha xà lách thuỷ canh, trung bình mỗi ngày gia đình bà Nguyễn Thị Thưa cung ứng ra thị trường gần 500kg với mức giá 30.000 đồng/kg.
Tại xã Lạc Xuân (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng), gia đình bà Nguyễn Thị Kiêm sản xuất xà lách thuỷ canh với quy mô 3ha và đây là một trong những vườn thuỷ canh lớn nhất ở tỉnh Lâm Đồng.
Nữ chủ vườn cho biết, gia đình sản xuất xà lách thuỷ canh từ năm 2016 và quy mô vườn ban đầu chỉ khoảng 0,1ha. Về sau, việc sản xuất thuận lợi, thị trường ngày càng rộng mở, lợi nhuận cao nên gia đình tiếp tục đầu tư và phát triển với quy mô 3ha như hiện nay.
“Gia đình nhận các loại giống xà lách thuỷ canh từ công ty quốc tế chuyên lai tạo và phát triển các giống rau ở Hà Lan và thực hiện sản xuất theo quy trình kỹ thuật của công ty đưa ra. Hiện nay, mỗi ngày chúng tôi đáp ứng ít nhất 1 tấn xà lách các loại cho thị trường trong nước. Giá bán các loại rau giao động từ 25.000 – 35.000 đồng/kg”, bà Nguyễn Thị Kiêm chia sẻ.
Nguồn: Nông Nghiệp Việt Nam.