I.Tưới nước
-Tưới nước là một trong những hoạt động chăm sóc cây trồng trong chậu quan trọng nhất. Khi cây trồng trong chậu, rễ cây của chúng bị hạn chế ở 1 không gian nhất định; rễ không thể cắm sâu xuống mặt đất để tự tìm nguồn nước.
Vào mùa nắng, chúng ta nên kiểm tra lượng đất để điều chỉnh lượng nước tưới, thường là 2 lần/ ngày (sáng và tối). Do nhiệt độ ngoài trời cao, tốc độ bốc hơi nước nhanh. Nếu quá lâu không tưới cây sẽ bị héo, cây bị suy kiệt và chết.
-Tưới nước đầy tới miệng chậu trồng và để cho nước thoát ra; sau đó tưới đầy chậu thêm một lần nữa để đảm bảo rằng toàn bộ đất được làm ẩm đầy đủ. Nếu nước thoát chậm, nên kiểm tra lỗ thoát nước có bị bít không.
-Đặt các chậu thành nhóm để tạo bóng mát cho nhau sẽ làm giảm áp lực sức nóng trên các chậu trồng.
-Ta có thể phủ lên mặt chậu thêm viên đất nung để giảm sự thoát hơi nước và tránh xói đất khi tưới quá mạnh.
Vào mùa mưa, chúng ta nên điều chỉnh lại. Nếu trời mưa lớn chúng ta không cần tưới. Tuy nhiên nên kiểm tra lỗ thoát nước để tránh tình trạng mưa lớn hoặc dài ngày, nước thoát không được, cây dễ bị úng chết.
II.Dinh dưỡng cho cây trồng trong chậu
Ngoài việc tưới nước thì dinh dưỡng cũng hết sức cần thiết khi tiến hành chăm sóc cây trồng trong chậu sân vườn.
III.Bón phân
Bón phân định kì cho cây. Tùy vào mỗi loại cây, kích cỡ cây và chậu để có lượng bón phù hợp.
Bón NPK mỗi tháng 1 lần (đa số loại cây cảnh). Cách bón:
-Bón vào buổi chiều mát. Bón cách xa gốc từ 10cm hoặc bón xung quanh mép chậu. Không bón thẳng trực tiếp vào gốc vì phân hóa học nóng sẽ làm cây và rễ sốc nhiệt.
-Sau khi bón thì tưới ngay.
Định kì 2-3 tháng bổ sung thêm phân hữu cơ cho cây.
Đối với các chậu hoa cảnh: thời gian bón NPK là từ 15-20 ngày. Cây kiểng hoa cần nhiều dinh dưỡng hơn các cây kiểng lá.
IV.Cắt tỉa
-Đặt các chậu cây cảnh ở mật độ phù hợp, thông thoáng. Khi đặt các chậu quá sát nhau, cây ít không gian phát triển và dễ lây mầm bệnh từ cây này qua cây kia.
-Thường xuyên cắt tỉa những cành lá bị sâu bênh, khô héo, hoặc khi cây phát triển quá mạnh, cành nhánh nhiều. Tạo môi trường sạch để cây phát triển tốt.
-Cắt tỉa tạo tán phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ của từng người.
V.Thay chậu cho cây
Từ 6 tháng đến 1 năm, nên kiểm tra xem rễ cây có phát triển lớn hơn so với chậu. Chúng ta tiến hành thay sang 1 chậu lớn hơn để bộ rễ phát triển.
Nên thay chậu cho cây vào mùa xuân.Đồng thời thêm đất trồng và phân bón phù hợp. Khi thay chậu tránh làm tổn thương đến bộ rễ. Dùng dụng cụ sạch sẽ, để tránh làm lây nhiễm bệnh, và nhiễm trùng rễ.
VI.Sâu bệnh ở cây
Trong quá trình chăm sóc cây trồng trong chậu sân vườn thường hay gặp vấn đề cây bị các loại sâu bệnh sau:
1.Rệp sáp:
-Nguyên nhân: do tiếp xúc với cây khác bị bệnh, gió, do kiến tha đến nuôi để chích lấy dịch trong cơ thể rệp sáp.
-Phòng trừ: Cây bị nhẹ nên lấy khăn ướt lau nhẹ, sau đó dùng vòi xịt để rệp trôi đi. Nếu cây bị nặng cần cắt tỉa các cành bám nhiều rệp. Sau đó phun thuốc confidor hoặc movento theo hướng dẫn trên bao bì. Cần diệt ngay các đàn
kiến nếu thấy xuất hiện trên cây hoặc gần đó.
2.Các loại sâu ăn lá:
-Nếu mật độ ít nên bắt tay.
-Nếu nhiều nên xịt các loại thuốc như lục diệp trừ sâu, các loại thuốc trừ sâu hóa học có hoạt chất Emamectin hay hỗn hợp các hoạt chất (Chlorantraniliprole + Abamectin)…Nên xịt vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát, do ban ngày trời
nắng sâu sẽ núp đi, đợi trời mát nó mới ra ăn.
3.Nấm bệnh:
-Nguyên nhân: do thời tiết thay đổi, độ ẩm cao, trời nắng nóng hoặc mật độ cây quá dày dễ bị nấm bênh. Hoặc vào mùa mưa cây dễ bị nấm bệnh hơn.
-Phòng trừ: duy trì mật độ cây phù hợp, không quá dày. Nên tỉa cành cây thoáng mát, thường xuyên cắt tỉa những cành lá càng úa. Khi bị nấm bệnh nên dùng các loại thuốc gốc đồng như C.O.C 85, thuốc diệt nấm chuyên biệt cho
từng loại cây.